icon vi icon vi

Tin trong ngành

Tuyến cao tốc văn minh, thân thiện

Cập nhật : 21/10/2016

Lượt xem : 1998

Cỡ chữ :

Dù chỉ mới đưa vào khai thác 20 km đầu tiên cùng một số nhánh rẽ song những lợi thế, hiệu quả về kinh tế, giao thông, du lịch... tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như người dân đánh giá rất cao. Và ấn tượng hơn, là nụ cười luôn nở trên môi của mỗi cán bộ, nhân viên đang làm việc trên tuyến đường này.

 

Bảo đảm vệ sinh, môi trường trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

 

 

Xây dựng văn hóa giao thông.
23 giờ khuya, xe chúng tôi đến trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Quận 9) sau một chuyến công tác muộn từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về. Xe vừa dừng ở cổng mua vé, cô nhân viên nhìn sang, cất tiếng chào cùng nụ cười tươi rói trên môi. Anh tài xế của chúng tôi dù không ít lần đi qua đây nhưng vẫn ngạc nhiên vì hành động thân thiện đó của nhân viên thu phí. Ðỡ tay lấy tấm vé cũng như giao tiền, anh lái xe lại như được thư giãn hơn sau một ngày cầm vô lăng vất vả với câu nói trong trẻo cùng nụ cười duyên dáng: "Xin cảm ơn!" của cô gái trẻ. Xe lướt qua trạm, tôi có cảm giác ai ai trong đoàn công tác cũng vừa được cô gái nọ tặng một món quà tinh thần rất ý nghĩa. Ðiều mà ở các trạm thu phí trên khắp đất nước chưa nơi nào có được.

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện do Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) tổ chức quản lý, khai thác. Ngay từ khi đưa vào khai thác 20km đầu tiên của tuyến đường này, VECE đã triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng văn hóa giao thông trên đường cao tốc theo chương trình của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát động gồm "4 xin": "Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép" và "4 luôn": "Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ". Không dừng lại ở việc triển khai theo kiểu phong trào, suốt chín tháng qua, VECE đã không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đơn vị để đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí dịch vụ trong công tác tiếp xúc, giao dịch với các lái xe.

Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc VECE cho biết về quá trình tập huấn nhân viên: Ngay từ khi tuyển dụng nhân viên vào làm việc, công ty đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong thời gian ít nhất một tháng trước khi nhận việc chính thức. Ngoài ra, định kỳ 3 tháng/lần, đơn vị tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên vận hành, bảo trì và thu phí để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý khai thác. Ngoài ra, công ty còn xây dựng và phát hành "Cẩm nang nhân viên Vận hành-Bảo trì", "Cẩm nang nhân viên thu phí" để hướng nhân viên luôn có ý thức trách nhiệm cao, không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình. Ông Tân cho biết thêm: "Không chỉ nở nụ cười với khách, đơn vị còn mời các chuyên gia về để hướng dẫn nhân viên thu phí về nghệ thuật giao tiếp và trang điểm. Ðó được xem như một nét nghệ thuật riêng nhằm tô điểm thêm cho nụ cười của các nhân viên trong công việc hằng ngày".

Ðánh giá về nét văn hóa giao thông của các cán bộ, nhân viên thu phí tại trạm Long Phước, Giám đốc Công ty Vận tải Hoa Mai Lê Văn Huệ phấn khởi cho biết: "Tôi làm vận tải nhiều năm trong nghề, được đi đây, đi đó rất nhiều nhưng hành động cười và nói "Xin chào", "Xin cảm ơn" đối với lái xe thì lần đầu tiên tôi mới gặp tại nước mình. Một nụ cười của người nhân viên thu phí sẽ là liều thuốc xua đi bao mệt nhọc của cánh lái xe sau một chặng đường xa mệt mỏi". Tôi cho đó là một nét văn hóa rất cần được phát huy và nhân rộng nhiều nơi. Ông Huệ còn nói vui: "Khi liên tục nhận được những nụ cười vui vẻ, thân thiện của các nhân viên thu phí trên tuyến cao tốc này, hàng trăm lái xe của tôi cũng đâm ra "nghiện" đi tuyến đường này mất rồi".

Không chỉ ban ngày, vào buổi tối, khi những làn xe đã bớt tấp nập hơn, khi những tiếng ếch, nhái, côn trùng vang lên từng hồi trong đêm thì trong những ca-bin, mặc cho những cơn buồn ngủ "quyến rũ", mặc cho sự thanh vắng khiến nhiều người có cảm giác sợ sệt thì những ánh mắt, nụ cười của các cô ở đây vẫn luôn thường trực đón chào những đoàn xe qua. Chị Ðỗ Thị Kiều, nhân viên thu phí tại trạm Long Phước tâm sự: Những ngày đầu mới vào làm, lúc đầu em có cảm giác không quen với công việc này khi liên tục nhận những ánh mắt của biết bao người qua lại; và rồi mình sẽ không trụ lại lâu được với công việc phải làm ca kíp ban đêm này, thế nhưng qua một thời gian, mọi suy nghĩ đó đã thay đổi hoàn toàn.

Sau hơn chín tháng làm việc, tôi nhận ra rằng, dù công việc có lặp đi lặp lại nhưng tôi vẫn thấy mình đã khám phá ra nhiều điều mới lạ. Mỗi lái xe qua đây, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh và dù gặp họ lúc ban trưa, tận khuya hay tờ mờ sáng, chị em chúng tôi vẫn cảm nhận được những tình cảm ấm áp giữa những người chưa bao giờ quen biết. Có những kỷ niệm mà chị Kiều cũng như chị em nhân viên ở đây sẽ luôn nhớ mãi khi có những bác tài đã cất công mua những gói bánh, bọc trái cây để tặng chị em lót dạ lúc đêm khuya đói bụng. Dù công ty đã quán triệt là không nhận quà của khách nhưng vì những tình cảm quá chân thành, mộc mạc của cánh lái xe nên có đôi lần họ đã "xé rào". Như chị Kiều, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa rồi, chị còn được một anh lái xe tặng cả bó hoa xinh xắn. Và món quà tinh thần, ý nghĩa mà các anh, các bác mỗi lần qua đây vẫn nhận được là nụ cười thân thiện của chị em. Nụ cười chất chứa cả sự chân thành, trách nhiệm và chia sẻ.

Ðòn bẩy cho sự phát triển

Trong nỗ lực hướng đến sự hoàn thiện của dịch vụ, trách nhiệm quản lý đối với hành khách lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ngay từ những ngày đầu, Công ty VECE đã triển khai phát hành sổ tay Hướng dẫn lái xe an toàn trên đường cao tốc; phân phát cho cơ quan truyền thông, các công ty lữ hành du lịch, các nhà xe, các giao lộ cửa ngõ vào khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thông tin cần thiết khi lưu thông vào tuyến đường này.

Ðể thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành khai thác toàn tuyến, Công ty VECE đã triển khai ký Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự trên đường cao tốc với Công an huyện Long Thành và quận 9 (địa phương có đường cao tốc đi qua); Quy chế phối hợp toàn diện với C67 (Cục CSGT Ðường bộ - Ðường sắt, Bộ Công an), VECE đã xây dựng và ban hành Quy trình xử lý sự cố trên đường cao tốc. Ðịnh kỳ hằng tháng tổ chức tập huấn nội bộ; Hằng quý tổ chức diễn tập xử lý sự cố quy mô lớn với các đơn vị phối hợp như cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế, công an địa phương.

Hằng ngày tổ chức lực lượng trực, chốt 24/24 giờ tại các vị trí ra, vào đường cao tốc để hướng dẫn và ngăn chặn các phương tiện không được phép vào đường cao tốc; tổ chức lực lượng tuần tra trên đường cao tốc để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tài sản, phát hiện và xử lý các sự cố kịp thời. Bên cạnh đó, công tác bảo trì đường cao tốc như: Cắt cỏ lề đường, cắt cỏ giải phân cách giữa; Vệ sinh mặt đường, vệ sinh khe co giãn, vệ sinh tôn lượn song và biển báo được VECE thực hiện thường xuyên và liên tục nên sau hơn chín tháng đi vào hoạt động, trên 20 km đang khai thác không có sự cố về tai nạn nào lớn xảy ra. Một số sự cố như: vật rơi trên đường; xe dừng, đỗ, đón, trả khách trên đường; gia súc, gia cầm lên đường, phương tiện tham gia đi ngược chiều trên đường... nhưng đã được lực lượng trực chốt xử lý kịp thời, đúng quy trình.

Dù chỉ mới đưa vào khai thác trước 20 km (toàn tuyến là 55 km) song theo các chuyên gia ngành giao thông, đơn vị vận tải, doanh nghiệp du lịch, với việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, trong thời điểm hiện nay cũng như tương lai đã có những tác động rất tích cực đối với sự phát triển về kinh tế, vận tải, du lịch đối với mỗi địa phương cũng như trên quy mô vùng. Ðiều này được Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Bùi Ngọc Diệp khẳng định: "Với sự thuận lợi vượt trội trong đi lại sau khi tuyến cao tốc đi vào khai thác, du lịch giữa hai địa phương (TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chắc chắn sẽ có bước nhảy vọt mà theo tính toán của chúng tôi sẽ ở mức 15%/năm. Lợi thế này cũng sẽ lan tỏa đến các địa phương khác trong khu vực khi hệ thống hạ tầng đường bộ, trong đó có đường cao tốc hình thành hoàn thiện trong tương lai. Trong khi đó, đứng ở góc độ là đơn vị vận tải, Giám đốc Công ty vận tải Hoa Mai Lê Văn Huệ cũng đánh giá rất cao lợi thế trong vận tải đối với đơn vị của mình.

Hiện nay, với hơn 140 phương tiện vận tải đang hoạt động tuyến TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Huệ đã chuyển toàn bộ số phương tiện này sang lưu thông trên đường cao tốc khi nhìn thấy những ưu điểm về mặt thời gian, khấu hao phương tiện và nhất là uy tín đối với khách hàng. Nắm bắt được lợi thế này, đầu tháng 11 tới đây, Công ty Hoa Mai sẽ cho ra 20 xe hoạt động vận tải dành cho những khách hàng VIP. Khách sử dụng loại phương tiện này sẽ lưu thông thẳng đến các địa phương khác mà không phải dừng lại để bắt khách tại các trạm như các phương tiện đang hoạt động hiện nay.

Là một chuyên gia giao thông có nhiều năm kinh nghiệm, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ mở ra bước đột phá mới trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế, vận tải và du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ông Tuấn nhấn mạnh: Từ mối quan hệ tương hỗ, giao thương qua lại ở những địa phương năng động khu vực Ðông Nam Bộ cũng như các địa phương khác, nền kinh tế, du lịch tại các địa phương từ đó sẽ năng động hơn, nhất là sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương khi các lĩnh vực, ngành nghề được kích thích phát triển. Ông Tuấn cũng dự báo, với việc hỗ trợ về mặt thời gian nhờ tuyến cao tốc đi vào hoạt động, hoạt động giao thương, thương mại giữa các địa phương sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Ðó là cơ sở để đánh giá về sự năng động của nền kinh tế vùng Ðông Nam Bộ cũng như các khu vực khác trên cơ sở cầu nối là hạ tầng giao thông được kết nối và hoàn thiện.

Sau hơn chín tháng khai thác tạm, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây từ vành đai 2 đến quốc lộ 51 đã phục vụ gần ba triệu lượt phương tiện lưu thông, rút ngắn khoảng cách đi Vũng Tàu xuống còn 95 km; đi Long Thành, tỉnh Ðồng Nai chỉ còn 22 km với thời gian lưu thông khoảng 20 phút. Về điều này, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Ðông cũng đã khẳng định tại lễ thông xe đoạn tuyến: "Ðây là dự án hết sức quan trọng nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam ở phía Đông, nằm trên địa bàn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tính kết nối rất cao giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu, với các cảng lớn, với các khu công nghiệp của khu vực Ðồng Nai và sẽ được kết nối ra khu vực phía bắc như Phan Thiết, Nha Trang. Tạo ra kết nối hoàn chỉnh để phát huy hiệu quả chung của mạng lưới giao thông sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế, phát triển các khu công nghiệp.

Theo Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), gói thầu xây lắp chậm nhất của dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, theo hợp đồng sẽ kết thúc vào cuối năm 2015, nhưng VEC đã lên kế hoạch kết thúc sớm hơn vào ngày 15-2-2015 nhằm giảm tải cho tuyến quốc lộ 1. Khi đó, xe ô-tô có thể lưu thông trên đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi đến Dầu Giây, chứ không phải chỉ đến Long Thành như hiện nay. Riêng 4km đường nối từ đại lộ Mai Chí Thọ đến đường cao tốc (quận 2 - quận 9) sẽ hoàn thành vào tháng 12/2014.

 

Nguồn: nhandan.org.vn

Các bài viết khác

Tin tức - Sự kiện

Tin nổi bật