icon vi icon vi

Tin trong ngành

Ky ức về những cây cầu: Chuyện xây cầu vượt cứu thảm họa ùn tắc giao thông

Cập nhật : 20/10/2016

Lượt xem : 2133

Cỡ chữ :

Đối mặt với muôn vàn trở ngại, tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng trước áp lực giao thông quá lớn bởi sự quá tải và ùn tắc liên miên dưới chân cầu Chương Dương (Hà Nội), hàng trăm thợ cầu lành nghề đã đội mưa dầm, gió bấc suốt trăm ngày đêm xây dựng thành công cây cầu vượt giao thông khác mức đầu tiên tại Việt Nam.

 

cau-chuong-duong
 

 Nút giao Nam Chương Dương 


“Liệu cơm gắp mắm” 

Cầu Chương Dương đưa vào khai thác khoảng hơn chục năm, đến cuối những năm 1990 tình trạng ùn tắc diễn ra liên miên, nhất là đoạn đầu cầu, tiếp giáp với đường Trần Nhật Duật. Thời điểm ấy, theo tính toán, một ngày có đến hơn 20.000 lượt ô tô và gần 24.000 lượt xe máy qua cầu. 

Người Hà Nội đến giờ hẳn vẫn chưa quên một thời chưa xa, hễ qua cầu Chương Dương là phải xếp hàng chờ đợi những dòng xe cộ nối dài dằng dặc. Người xe cứ dậm chân tại chỗ, bất lực nhìn nhau trong khói xăng mù mịt, ngột ngạt.
 
"Khi dựng lại cột đồng hồ, người dân đến tận nơi để được ngắm nghía, sờ tận tay nhiều ngày không chán. Cột đồng hồ thân thương tưởng đã vĩnh viễn đi vào quên lãng nay được trả về nguyên trạng”.
 
Ông Tạ Đình Bảy 
Giám đốc Công ty Cầu 12 
 
"Mặc dù đây là cây cầu vượt lập thể đầu tiên nhưng các kiến trúc sư không hề bỡ ngỡ, toàn bộ công đoạn đều được thiết kế bằng phần mềm, đồ họa hiện đại với độ chính xác tuyệt đối và tính thẩm mỹ cao”.
 
Ông Chu Ngọc Sủng - Nguyên TGĐ TEDI


Trước tình thế đó, để khai thác hiệu quả cầu Chương Dương và giảm áp lực ùn tắc, bài toán xây dựng cầu vượt nút giao thông khác mức tránh xung đột giữa các làn giao thông được đặt ra hết sức cấp thiết. Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lĩnh nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi để giải quyết tình trạng này. 
Ông Chu Ngọc Sủng - Nguyên Tổng giám đốc TEDI, khi ấy đang là Giám đốc Công ty Thiết kế cầu lớn - hầm, đơn vị được giao nhiệm vụ thiết kế nút giao này nhớ lại, về mặt thiết kế có thể nói, đây là một công trình tiêu biểu cho triết lý “liệu cơm gắp mắm”, bởi khi bắt tay vào làm có rất nhiều khó khăn. Cái khó nhất phải kể đến là thiếu mặt bằng. Với phương châm, hạn chế tối đa giải tỏa các công trình, nhà dân khu vực lân cận, đồng thời không xâm hại đến khu phố cổ nên đề bài đặt ra hết sức gắt gao, thiết kế chỉ gói gọn trong khoảng đất trống dưới chân cầu Chương Dương. 

Trước yêu cầu đó, những kỹ sư thiết kế phải tính toán kỹ lưỡng và hợp lý, tận dụng tối đa mọi khoảng trống để vừa bảo đảm chất lượng công trình, vừa đạt được tính thẩm mỹ cao, lại vừa mang lại khả năng điều tiết giao thông hiệu quả nhất, thi công không ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông. 

“Khi đưa ra thiết kế cầu vượt Nam Chương Dương, rất nhiều chuyên gia phản đối với lý do nên tập trung vốn để xây dựng những cây cầu khác bắc qua sông Hồng. Một lý do khác cũng khá thuyết phục là thời điểm đó, ta chưa đủ công nghệ xây một cầu vượt lập thể hết sức phức tạp và chưa từng triển khai ở Việt Nam”- ông Sủng nói.

Giải tỏa tất cả những nghi vấn, thắc mắc này là cả một quá trình gian nan. Hà Nội khi đó đã phải tổ chức triển lãm mô hình cầu vượt nút giao thông lập thể tương lai tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ để thu thập ý kiến. Và thật bất ngờ, phương án thiết kế mà TEDI đưa ra nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo nhân dân. Tất thảy mọi người đều mong Thủ đô sớm có cây cầu vượt lập thể hiện đại đầu tiên để giải tỏa ùn tắc cho cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội.

 

Giải bài toán hóc búa 



Phải nói, vừa thi công vừa bảo đảm giao thông là một trong những bài toán hóc búa nhất khi xây cầu vượt nút giao Nam Chương Dương. Với nhiều yêu cầu khắt khe, hồi đó chỉ có Công ty Cầu 12 có đủ năng lực và được chọn thắng thầu. Do những áp lực quá lớn về giao thông trên cầu Chương Dương nên sau đó, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã đề nghị rút thời gian thi công từ 165 ngày xuống còn 115 ngày. Đó là một thử thách vô cùng lớn đối với nhà thầu là Công ty Cầu 12.

Tuy nhiên, ông Tạ Đình Bảy - Giám đốc Công ty Cầu 12 thời kỳ đó nhớ lại, được trở lại cầu Chương Dương - nơi mà Công ty Cầu 12 đã góp công lớn xây dựng cây cầu tự lực, tự cường của đất nước và được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ nhất nên những cán bộ, công nhân đều hăm hở và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Ba đơn vị thi công xuất sắc nhất được điều động đến công trình.

Ngay sau lễ khởi công (ngày 20/12/2000), các tổ đội đã bắt tay ngay vào việc với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Trong suốt hơn một trăm ngày đêm lao động, bên cạnh dòng người vẫn hàng ngày qua lại trên cầu Chương Dương, hàng trăm công nhân miệt mài làm việc thâu đêm suốt sáng quên cả cái rét đến thấu xương của những ngày Hà Nội mưa dầm, gió bấc. Để xây dựng hai mố trụ và hệ thống tường chắn bê tông cốt thép, những thiết bị hiện đại nhất của Cầu 12 đã được huy động phục vụ công trình.

Khó có thể tả hết nỗi vui mừng của tất cả những người chứng kiến phút cần cẩu tự tạo nâng bổng phiến dầm đầu tiên an toàn tuyệt đối và được đặt chính xác lên trụ đỡ. Thành công này quyết định đến tiến độ thi công, đồng thời nâng cao chất lượng công trình. Đúng như hợp đồng ký kết, ngày 30/4/2001, công trình được khánh thành, chấm dứt nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở khu vực Nam cầu.

Trong lễ thông đường, ông Tạ Đình Bảy xúc động nói, trong suốt thời gian thi công, những tấm gương lao động sáng tạo đã giúp chúng tôi hoàn thành công trình một cách thành công. Đơn cử, chỉ trong vòng 16 giờ đồng hồ mà có thể đổ xong 1.200m3 bê tông của 4 nhịp dầm liên tục. Hay như một ngày có thể khoan và đổ bê tông xong 6 cọc khoan nhồi, một tuần lễ đổ xong 7 trụ và đúc được 5 phiến dầm có sức nặng từ 250 đến 280 tấn. Chính vì vậy công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ và giữ an toàn tuyệt đối cho con người và thiết bị thi công. 
 
Dựng lại cột đồng hồ cổ 

Khu vực dưới chân cầu Chương Dương ngày xưa là điểm giao của các tuyến phố cổ. Tại đây, từ những năm đầu của thế kỷ XX có một cột đồng hồ bằng gang, trang trí hoa văn, họa tiết rất đẹp. Trong suốt gần 1 thế kỷ, “cột đồng hồ” đã cùng người Hà Nội trải qua bao thăng trầm, tàn phá của chiến tranh. Điều đặc biệt là giữa dày đặc những đợt ném bom, đánh phá cầu Long Biên của đế quốc Mỹ, chiếc đồng hồ vẫn còn đó, hiên ngang trên một đảo tháp bê tông, giữa ngã năm đường phố.

Ngày ấy, trẻ em Hà Nội vẫn thường thách nhau: “Một chọi một lên cột đồng hồ”. Điều ấy đủ để thấy “cột đồng hồ” đã ăn sâu vào tâm trí người Hà Nội như thế nào. Khi làm cầu Chương Dương, vì diện tích quá chật hẹp, để phục vụ xây dựng các đường dẫn lên cầu nên cột đồng hồ đã tạm thời được tháo bỏ. Thế nhưng trong lễ thông xe cầu vượt nút giao Nam cầu Chương Dương, người ta lại thấy chiếc đồng hồ thân thương năm nào xuất hiện ở chính giữa đầu cầu.

Ông Chu Ngọc Sủng cho biết, khi thiết kế nút giao này, cột đồng hồ được tính đến không chỉ nhằm tạo thẩm mỹ cho cây cầu mà còn để tái hiện một ký ức quá thân quen với người Hà Nội. Sự tái hiện của chiếc đồng hồ này còn giúp người dân, nhất là người ngoại tỉnh biết được thời gian khi di chuyển qua nơi này.

Trong ngày lễ thông xe nút giao Nam cầu Chương Dương, đại diện nhà thầu, ông Tạ Đình Bảy đã báo cáo với toàn thể quan khách và người dân rằng: “Khi thi công cầu Chương Dương, chiếc đồng hồ có từ thời Pháp thuộc đã được Công ty mang về cất giữ bảo quản nguyên vẹn. Nay hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại công trình lịch sử này, Công ty xin bàn giao lại cây cột đồng hồ cổ cho Thành phố để thể hiện tấm lòng của những người thợ cầu với Thủ đô thân yêu”.

Các bài viết khác

Tin tức - Sự kiện

Tin nổi bật