icon vi icon vi

Tin trong ngành

Khởi công nâng chuẩn cao tốc cửa ngõ phía Nam Thủ đô

Cập nhật : 21/10/2016

Lượt xem : 1952

Cỡ chữ :

Sau khoảng hai năm chuẩn bị, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các nhà đầu tư khởi công xây dựng theo hình thức BOT vào ngày 20/7. Khi hoàn thành, tuyến cửa ngõ trọng điểm phía Nam Hà Nội sẽ chính thức được nâng chuẩn lên đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h.


  ctoc Phap Van - Cau Gie
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi hoàn thành nâng cấp


Nâng chuẩn cao tốc để khai thác đồng bộ 

Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thường được người dân gọi là đường cao tốc, nhưng thực chất chỉ đạt tiêu chuẩn cấp I đồng bằng, gồm bốn làn xe chạy, rộng 25m, 2 làn xe khẩn cấp. Đây cũng là một trong những tuyến đường có lưu lượng xe lưu thông lớn nhất khu vực phía Bắc hiện nay. Với việc tuyến đường hiện hữu đến “ngưỡng”, bộc lộ nhiều bất cập và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành, việc sớm thực hiện nâng cấp để khai thác đồng bộ theo tiêu chuẩn cao tốc từ Pháp Vân đến Ninh Bình là hết sức cấp thiết.

Chính vì vậy, công tác chuẩn bị Dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ GTVT bắt đầu triển khai từ năm 2012. Ban đầu, dự án này được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) triển khai để đảm bảo tính cấp bách, đưa vào khai thác sớm. Tuy nhiên, sau đó Nexco Central rút khỏi dự án do các đề xuất của nhà đầu tư Nhật Bản không phù hợp với yêu cầu của Bộ GTVT. Đây là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi khi đó, chính Nexco Central đã đề xuất với Bộ GTVT xin đầu tư vào dự án. Đề xuất này cũng nhận được sự giới thiệu của JICA. Với tư cách là nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, vận hành đường cao tốc, Nexco Central được kỳ vọng sẽ đưa vào dự án những kinh nghiệm quản lý và công nghệ khai thác hiện đại. Vì vậy, Dự án sau đó được Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trong nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Lưu lượng giao thông trên tuyến đặc biệt tăng cao trong những năm gần đây. Do vậy, việc nâng cao năng lực thông hành, cải thiện hệ thống giao thông của tuyến đường này để giảm áp lực và ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội là rất cấp bách.
 
Hoàn vốn 17 năm

Theo Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư triển khai dự án này là Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phát - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km. Điểm đầu dự án là Km182+300, tại vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội. Điểm cuối tại Km 211+256 (tại Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Tuyến đường sẽ được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có châm chước tĩnh không đứng dưới cầu vượt đường cao tốc và chiều dài dốc dọc. Vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới. Việc nâng cấp sẽ tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m. 

Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới. Chiều rộng nền đường là 33,5m. Đồng thời, tuyến đường sẽ được xây dựng đường gom song hành hai bên với chiều rộng nền đường 6,50m. 
Ngay khi hoàn thành giai đoạn 1, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn khoảng 17 năm 3 tháng. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Liên danh nhà đầu tư huy động đầy đủ ngay vốn chủ sở hữu và vốn vay thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã duyệt. Giai đoạn 1 sẽ thi công từ quý III/2014 đến năm 2015. Giai đoạn 2 tiến hành GPMB trong năm 2015 - 2016. Công tác thi công sẽ hoàn thành cuối năm 2017, đầu năm 2018 đưa vào khai thác.

“Trong quá trình thực hiện thi công dự án, việc quản lý về chất lượng xây dựng sẽ được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt từ việc lựa chọn các đơn vị tham gia thi công đến giám sát chặt chẽ vật liệu đầu vào, thiết bị máy móc đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định ban hành. Do dự án xây dựng có đặc thù vừa thi công và tổ chức giao thông nên nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông” - Thứ trưởng Trường nói.
 

Nguồn: Hà Thanh Oai

giaothongvantai.com.vn

Các bài viết khác

Tin tức - Sự kiện

Tin nổi bật